Những chiêu trò gây sốc vẫn luôn mang lại hiệu quả là được đám đông chú ý và bàn luận sôi nổi. Đôi khi, những chiêu trò đi quá đà, vượt tầm kiểm soát của những nhà tổ chức. Trong văn hóa nội bộ của các doanh nghiệp Việt Nam, đã có vài vụ việc nổi đình nổi đám.
Những chiêu trò gây sốc vẫn luôn mang lại hiệu quả là được đám đông chú ý và bàn luận sôi nổi. Đôi khi, những chiêu trò đi quá đà, vượt tầm kiểm soát của những nhà tổ chức. Trong văn hóa nội bộ của các doanh nghiệp Việt Nam, đã có vài vụ việc nổi đình nổi đám.
Truyền thông quốc tế ví scandal như một con sâu đục khoét từ bên trong thân trái cây.
1 năm đen đủi của FPT
Năm 2008, FPT dính liên tiếp vào 2 vụ scandal đều trong lĩnh vực văn hóa doanh nghiệp. Có lẽ đó là lần đầu tiên báo chí trong nước đề cập trực tiếp ở mức độ cao về vấn đề văn hóa doanh nghiệp.
Đầu tiên là màn múa phản cảm của 2 nam sinh Trung tâm FPT Arena, họ nhảy ra sân khấu trong trang phục hở hang, trình diễn động tác vật nhau mô phỏng theo bộ phim hài "Borat" của Mỹ trong một hội diễn của toàn FPT. Sau khi sự việc rùm beng trên các trang diễn đàn, blog, báo chí vào cuộc, Thanh tra Sở VHTT&DL đã phối hợp với Phòng PA25 - Công an TP Hà Nội tiến hành xác minh và có cuộc làm việc với lãnh đạo FPT về sự việc này.
Kết quả là FPT quyết định cảnh cáo BTC hội diễn, cách chức Giám đốc FPT Arena, công khai xin lỗi công chúng và đình chỉ học tập 2 sinh viên. Thanh tra Sở VH,TT&DL đã lập biên bản vi phạm hành chính và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với BTC hội diễn với mức phạt 4 triệu đồng và yêu cầu FPT báo cáo quá trình học tập, nộp hồ sơ của 2 sinh viên.
Từ vụ việc này, báo chí tiếp tục "bới lông tìm vết" văn hóa FPT. Vụ scandal thứ hai là cuốn "FPT - Sử ký 20 năm". Cuốn sách bị phát hiện xuyên tạc các ca khúc cách mạng và cả "Tuyên ngôn độc lập"... Sau khi vào cuộc, Thanh tra Bộ TT&TT đã quyết định xử phạt hành chính FPT cùng các NXB đã xuất bản cuốn sách. FPT bị phạt 18 triệu đồng, 2 NXB bị phạt lần lượt 15 triệu đồng và 13 triệu đồng.
Tinh Vân "PR ngược"?
Năm 2011, Tinh Vân có 2 sự kiện bị báo chí soi mói bởi những màn nhảy múa được cho là phản cảm. Đầu tiên là màn múa của 5 chàng trai giả gái với ngực độn váy chẽn và quần bó nhiều màu. Vài tháng sau, trong một buổi lễ kỷ niệm, một màn lột váy nhân viên nữ đã khiến cộng đồng mạng bức xúc và "ném đá", báo chí vào cuộc.
Một scandal lột quần của hoàng tử xứ Wales - Vương quốc Anh.
"Lần lượt ba cặp đôi bước ra sân khấu trên nền nhạc xập xình và những tiếng hò reo cổ vũ không dứt. Sau vài động tác uốn lắc, chàng trai quay sang cô gái và bất ngờ lột phăng chiếc váy. Chỉ còn trên người bộ bikini hai mảnh không thể bé hơn, cô gái vẫn thản nhiên để chàng trai ôm eo dìu diễu qua diễu lại. Cuối cùng, các chàng trai cũng lột phăng áo để nhảy cùng các cô gái bikini.", đó là những lời miêu tả khá gợi hình của báo chí lúc bấy giờ.
Sau vụ việc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Truyền thông của Tinh Vân Group đã phải tiếp báo chí để có những lời giải thích. Tuy nhiên, sự việc không gây sự chú ý với các cơ quan chức năng nên nhiều người đã nghĩ đây là chiêu "PR ngược" của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp đã phải xin lỗi công chúng công khai trên báo chí.
Mặc dù những chiêu trò quá đà đã gây được chú ý lớn từ dư luận nhưng doanh nghiệp buộc phải có động thái xử lý khủng hoảng truyền thông bởi không thể để lại ấn tượng không tốt. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nói trên cùng nhiều doanh nghiệp khác đang xây dựng văn hóa của mình phải nhìn nhận lại bởi văn hóa doanh nghiệp là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa dân tộc.
PHẠM HÀO (Theo An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, VietNamNet)