Những cái tên nổi đình nổi đám sắp, hoặc có khả năng về với làng game Việt, cũng có không ít những comment than phiền hay thậm chí là chê trách các nhà phát hành trong nước chưa thực sự tận tâm với cộng đồng game thủ cũng như sản phẩm họ phát hành.
Các NPH đang phớt lờ game thủ Việt, hay còn điều gì game thủ bỏ quên chưa nhận ra?
Dạo một vòng quanh những trang tin, những diễn đàn về game tại Việt Nam hiện nay, bên cạnh những thông tin game online mới ra mắt, những cái tên nổi đình nổi đám sắp, hoặc có khả năng về với làng game Việt, cũng có không ít những comment than phiền hay thậm chí là chê trách các nhà phát hành trong nước chưa thực sự tận tâm với cộng đồng game thủ cũng như sản phẩm họ phát hành.
Thế nhưng đã tồn tại một thực trạng rất dễ nhận thấy trong quá khứ cũng như hiện tại. Mặc cho những chỉ trích của cộng đồng game thủ dấy lên đã từ lâu, webgame 2D vẫn cứ chiếm một mảng thị phần không hề nhỏ trên “chiếc bánh” thị trường game online trong nước hiện tại. Phải chăng các nhà phát hành đang cố tình phớt lờ chính khách hàng, những người đem về lợi nhuận cho mình, hay còn điều gì uẩn khúc?
Chúng ta hãy tạm bỏ qua những NPH, những doanh nghiệp với lối làm ăn chỉ vì đồng tiền, chỉ vì lợi nhuận mà bỏ quên đi cộng đồng mà họ đang phục vụ từng ngày từng giờ. Thay vào đó, hay quan tâm tới những cái tên khác, tuy rằng vẫn đang hứng chịu nhiều chỉ trích nhưng vẫn cố gắng để cân bằng cán cân khách hàng – lợi nhuận.
Nhận thức của game thủ
Hãy nhìn vào một sự thật mà không phải ai cũng có thể nhận ra, đặc biệt là những game thủ Việt. Đại đa số người chơi game online ở nước ta hiện nay đều không có thời gian hoặc không có điều kiện tiếp cận với những kênh tương tác giữa game thủ và nhà phát hành như trang tin hay forum. Họ thích chơi game gì là quyền của họ. Những game thủ khác đăng bình luận chê bai hay không, họ không biết, và cũng chẳng cần quan tâm.
Một câu chuyện có thật mà tôi mới được chứng kiến. Một ông chủ quán phở trong giờ nghỉ trưa lấy laptop ra thưởng thức một webgame được đánh giá là nằm ở mức trung bình trong số những webgame hiện nay tại nước ta.
Rõ ràng với công việc kéo dài từ sáng đến đêm, việc thưởng thức game của ông chủ quán phở nọ sẽ chỉ có thể diễn ra trong những khoảng thời gian nghỉ ngơi. Rất, rất nhiều game thủ khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Họ không có thời gian, và cũng chẳng muốn đọc những bình luận về game mình đang chơi từ những người họ chưa hề quen biết. Điều đó, đối với họ, có phần phung phí thời gian.
Một thực trạng khác chính là ở bản thân những game thủ Việt ngày ngày lên tiếng chê bai, tẩy chay webgame nói riêng, cũng như một phần game online Việt Nam nói chung. Trong số đó, có những người đã từng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi NPH không quan tâm đến cộng đồng, nhưng cũng chẳng thiếu những kẻ “anh hùng bàn phím” theo nghĩa đen.
Anh hùng bàn phím có nghĩa là, họ chưa từng chơi một webgame nào, thậm chí chưa bao giờ chơi game online, thế nhưng vẫn có những bình luận ngộ nhận đại loại như “Game online Việt Nam bây giờ thì nghỉ đi, chơi game off cho khỏe”.
Thị hiếu
Trong quá khứ những tựa game lưu lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ đều là những sản phẩm game online nền 2D hoặc 2.5D với bối cảnh kiếm hiệp, tiên hiệp, thể loại đã ăn sâu vào tiềm thức giới trẻ Việt sau nhiều năm gắn bó với phim ảnh, truyện tranh cũng với bối cảnh phương Đông.
Thêm vào đó, với cuộc sống hàng ngày, game thủ sẽ chẳng còn thời gian cày cuốc, làm nhiệm vụ. Cũng chẳng còn thời gian đi đánh những con trùm tốn nhiều thời gian và công sức, điều này khiến cho game thủ buộc phải tìm đến những tựa game khác mất ít thời gian hơn để thỏa mãn niềm vui với game của mình. Đó cũng là lúc webgame lên ngôi và chiếm được thị phần không hề nhỏ của làng game Việt hiện tại.
Chiều lòng số đông
Vì bài toán doanh thu, cộng với những lý do kể trên, các nhà phát hành luôn luôn có một lựa chọn duy nhất, đó là đưa về những tựa game với thể loại và bối cảnh tương đồng với những sản phẩm đông người chơi và gặt hái được nhiều thành công trong quá khứ. Điều này, một mặt, giúp cho các NPH có thể yên tâm hơn về thành công của dự án.
Thế nhưng mặt khác, NPH cũng sẽ phải chấp nhận hứng chịu những chỉ trích đến từ những game thủ không có thiện cảm với webgame hay game online 2D với nền đồ họa đã lỗi thời. Lựa chọn của họ là không nhiều, và việc chiều lòng số đông, những người thậm chí chẳng bao giờ lên diễn đàn, không bao giờ đọc bài của những trang tin game là hướng đi an toàn nhất.
Sẽ là vô cùng liều lĩnh nếu một nhà phát hành nghe theo vài trăm, thậm chí vài nghìn comment trên một diễn đàn về tựa game họ muốn đưa về Việt Nam sau đó làm theo răm rắp. Lý do rất đơn giản, nếu so với hàng triệu game thủ Việt hiện tại, thì vài nghìn người vẫn chưa phải là con số đáng ghi nhận. Canh bạc tài chính khi đưa về một game online bom tấn là điều NPH nào cũng phải đối mặt. Nếu có cảm giác không an toàn, họ sẽ không liều vung tiền về chỉ để xoa dịu và chiều chuộng những game thủ trên các diễn đàn kia.
Kiều Đặng (sưu tầm)