Gia đình Intecom

NPH Trung Quốc "vượt rào" bị truyền thông trong nước "đánh"

13/03/2014 0

Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay, các doanh nghiệp nội địa thì thờ ơ trước những vi phạm trắng trợn của một số NPH Trung Quốc thì truyền thông liên tục vào cuộc thời gian qua.

Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay, các doanh nghiệp nội địa thì thờ ơ trước những vi phạm trắng trợn của một số NPH Trung Quốc thì truyền thông liên tục vào cuộc thời gian qua.


Bị cơ quan chức năng "sờ gáy" nhưng nhiều game lậu vẫn ung dung.

Những mánh khóe dễ phát hiện

Tâm điểm của vụ việc là KoramGames, NHP bị Thanh tra Bộ TT&TT ra văn bản yêu cầu các ISP (dịch vụ mạng internet) Việt Nam chặn các game của họ. Theo một số trang tin game, KoramGames là NPH Trung Quốc đầu tiên lấn sân sang thị trường Việt Nam, sử dụng hình thức truyền thông mua keywords chứa tên game của một số game Việt Nam có tiếng, dùng các hình ảnh dâm tục để thu hút sự chú ý.

Các trò chơi trực tuyến vi phạm pháp luật của KoramGames được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 - Bộ Công an xác định gồm 4 game: Tam Quốc Tranh Hùng (Phong Vân Tam Quốc), Phi Tiên, Tuyệt Đỉnh Tam Quốc và Tiên Cảnh. Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hùng cho biết, mức xử phạt cao nhất có thể là xử lý hình sự.

Sau khi bị các cơ quan chức năng "tuýt còi", KoramGames lập tức tạm đóng các cổng game nhưng vẫn đẩy mạnh hoạt động quảng bá game trên Facebook, đồng thời cho nhân viên làm việc ở nhà chứ không thuê văn phòng như trước. Demonslayer, một game khác của họ còn lấy tên miền .vn. Công ty Trung Quốc này cũng chuyển sang phát hành cả game trên di động tại Việt Nam là Mộng Hiệp Khách.

Tương tự KoramGames, NPH Lemon Game với các game online là Wartune, Trảm Tiên, Rồng Tam Quốc..., game mobile là Qtien và Pocket Empire đứng dưới tên một công ty là AFOO có trụ sở tại TP HCM. Công ty này đăng ký kinh doanh lập trình máy tính nhưng thực tế lại làm truyền thông, marketing cho các game của Lemon tại thị trường Việt Nam. Cách làm cũng là mua từ khóa game lớn của các công ty trong nước trên Google, dùng những hình ảnh phản cảm để câu kéo người chơi.

Doanh thu của KoramGames tại Việt Nam có thời điểm lên tới hơn 30 tỷ đồng/tháng và của Lemon Game là khoảng hơn 15 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, họ không tiến hành đóng các khoản thuế nào do phát hành không phép.

Chưa dừng lại ở đó, họ còn bắt tay hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành game và lĩnh vực CNTT của Việt Nam. Theo điều tra của ICT News, các dải IP từ tên miền các game của KoramGames có liên quan đến VDC và VNPT. Tương tự, các game của Lemon Game có dải IP liên quan đến FPT Telecom. Một điều tra khác của ICT News cho thấy game của các NPH này cho phép thanh toán qua Nganluong.vn, thẻ GATE của FPT, Megacard của VNPT, Baokim.vn và thậm chí được hỗ trợ thanh toán bằng thẻ điện thoại của MobiFone, VinaPhone và Viettel.
 
"Chúng tôi đã thử tiến hành thanh toán qua tài khoản Nganluong.vn tại game Rồng Tam Quốc và việc thanh toán thành công rất nhanh chóng. Tương tự, khi thanh toán bằng thẻ GATE của FPT cho cả Rồng Tam Quốc và Tiếu Ngạo Tây Du, việc thanh toán cũng diễn ra suôn sẻ. Hay đối với thẻ MegaCard của VNPT, việc thanh toán cũng được thực hiện rất dễ dàng cho game Rồng Tam Quốc", ICT News đăng tải trên trang của mình.


Nhiều NPH trong nước chỉ biết "than thân trách phận" khi đứng trước sự bất công game lậu gây ra.

"Bắt bài" game lậu Trung Quốc

Tương đối dễ nhận diện game phát hành không phép, chúng không bị kiểm duyệt nội dung nên các NPH Trung Quốc này thường “lồng ghép” các yếu tố chính trị nhạy cảm vào game nhằm gây ra nhận thức “lệch lạc” cho người chơi Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Không đặt trụ sở tại Việt Nam, họ rêu rao là "game quốc tế phiên bản Việt”.

Ngoài con đường hợp tác kinh doanh, các công ty này cũng tận dụng các trang chia sẻ, rao bán mã nguồn lậu hoặc qua những trung gian phân phối sản phẩm đến tay người chơi Việt. Cùng với đó là trốn thuế và truyền thông, PR phản cảm gây sốc... khiến NPH nhanh chóng hốt bạc.

Theo GameK, những game này gần như là giống nhau hoàn toàn về gameplay, nhiều khi chỉ khác tên, thay đổi giao diện... "Không kiếm hiệp thì Tam quốc, cứ ồ ạt “phát hành” và ai cũng có thể nhận ra nguồn gốc các game đó xuất xứ từ Trung Quốc", GameK phân tích. Trong khi bản thân người Trung Quốc đa số chơi game xuất xứ Hàn Quốc, Mỹ thì Trung Quốc lại tuồn game vào Việt Nam và các nước có thị trường tương đồng.

Ngoài sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, GameK còn cho rằng, game thủ Việt dễ tính và háo danh. Vì vậy, việc ngăn chặn những vi phạm của các NPH nói trên cần một ý thức toàn ngành bên cạnh sự đấu tranh của truyền thông.

Phạm Hào
Gửi bình luận