Tháng 5 vừa qua, Google đã cho ra mắt nút mua hàng "Buy Button" trên trang tìm kiếm của hãng. Cùng với đó là thanh tìm kiếm có tên Google Shopping hay Google Mua sắm, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm mà họ quan tâm nhất. Nếu dịch vụ này thành công, chắc chắn nhiều hãng thương mại điện tử lớn sẽ đổ bộ vào đây.
Tháng 5 vừa qua, Google đã cho ra mắt nút mua hàng "Buy Button" trên trang tìm kiếm của hãng. Cùng với đó là thanh tìm kiếm có tên Google Shopping hay Google Mua sắm, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm mà họ quan tâm nhất. Nếu dịch vụ này thành công, chắc chắn nhiều hãng thương mại điện tử lớn sẽ đổ bộ vào đây.
Ở Việt Nam có rất nhiều iPhone 6 nhưng không có điểm bán trong nước trên Google Mua sắm.
Với dịch vụ này, sau khi tra cứu trên Google, người dùng có thể thanh toán online mà không cần đi đến các trang web riêng biệt. Google muốn người dùng có thể mua hàng dễ hơn tại các quảng cáo xuất hiện quanh các kết quả tìm kiếm. Nó sẽ giúp giảm đi các bước mà người tiêu dùng gặp phải trong việc thanh toán online và vì thế sẽ làm tăng doanh thu bán hàng trên mạng.
Các công ty sẽ trả cho Google một khoản phí để được xuất hiện ở những vị trí thuận lợi trong các kết quả tìm kiếm về sản phẩm. Người dùng sẽ được đưa đến một trang của Google, nơi mà họ có thể thanh toán nhanh chóng, thay vì đi tiếp đến website của các công ty khác.
"Những người bán này sẽ trả phí cho Google. Thanh toán là một trong số các yếu tố được sử dụng để xếp hạng các kết quả này. Thuế và phí vận chuyển chỉ là ước tính." Thông báo ở cuối trang Google Mua sắm cho thấy, những hãng thương mại điện tử có kênh thanh toán tốt sẽ chiếm lợi thế lớn khi tham gia vào dịch vụ.
Giao diện của Google Mua sắm hết sức đơn giản đúng như truyền thống của nhiều dịch vụ khác của Google và tương đối giống các trang tìm kiếm và phân loại sản phẩm của một số trang bán hàng online tại Việt Nam. Phía trái màn hình là bộ lọc theo địa điểm, giá và người bán. Góc phải màn hình là tính năng sắp xếp theo giá, chế độ hiển thị thông tin sản phẩm và tính năng lưu sản phẩm đã xem trước đó. Thông tin hiển thị trên kết quả tìm kiếm là giá, đánh giá của người dùng và các thông tin mô tả về sản phẩm.
Tại Việt Nam, Google Shopping chủ yếu vẫn nằm trong nút Thêm trên thanh lựa chọn tìm kiếm. Tìm thử một số sản phẩm thì thấy hầu như chưa có sản phẩm nào đến từ Việt Nam mặc dù trang này đã có tiếng Việt. Đây là một cơ hội lớn cho các hãng thương mại điện tử trong nước và cả nước ngoài muốn tấn công vào thị trường Việt Nam.
Với một dịch vụ đơn giản và không mới nhưng nếu tận dụng được sức mạnh vốn có của Google là giúp người dùng tìm kiếm và đóng vai trò là hệ sinh thái trung gian cho các hãng, rất có thể làn sóng đổ bộ lên Google Mua sắm sẽ nở rộ trong tương lai gần. Điều đáng nói đây lại là thời điểm nhiều hãng thương mại điện tử lớn đang xúc tiến đầu tư vào thị trường Việt Nam.
PHẠM HÀO