Sau thời kỳ phát triển rầm rộ ở thế độc tôn trong mảng game offline, game dành cho thiếu nhi ở thời của game online chuyển dịch dần sang nền tảng web. Các sản phẩm game dành cho thiếu nhi chủ yếu là mini game chạy bằng flash trên trình duyệt web.
Tại Trung Quốc, từ năm 2004 cho đến khoảng năm 2010, game trên web dành cho thiếu nhi phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo một khảo sát, học sinh tiểu học chơi game loại này chiếm đến 80% trong số hơn 4.000 học sinh. Các mini game thiếu nhi có hình ảnh gây cuời, đáng yêu, có lối chơi đơn giản, chỉ cần click chuột hoặc dùng một số ít bàn phím. Chạy trên trình duyệt web nên không đòi hỏi nhiều về thiết bị, điều này khiến mini game đến được với thiếu nhi.
Mini game cho thiếu nhi tại Việt Nam cũng bắt đầu phát triển vào khoảng thời gian tương đương với thị trường Trung Quốc. Nhiều cổng game ra đời trong giai đoạn này đến nay vẫn hoạt động khá tốt như Socnhi.com, Vuigame.com... Nhiều game truyền thống, phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ trước được phát hành trên những cổng game này như: Tetris, Pacman, Bomberman...
Trong những năm trở lại đây, khi game trên điện thoại di động và các thiết bị cầm tay ngày càng chiếm chỗ đứng trên thị trường, các kho ứng dụng cũng bắt đầu để tâm đến đối tượng thiếu nhi. Năm ngoái, AppStore của Apple chia các ứng dụng dành cho thiếu nhi thành 3 nhóm: Dưới 5 tuổi, từ 6 - 8 tuổi và từ 9 - 11 tuổi.
Apple còn cấm lập trình viên thu thập thông tin cá nhân từ trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sử đồng ý của cha mẹ. Tại AppStore, trẻ dưới 13 tuổi cũng không phải xem những mẫu quảng cáo với nội dung được tùy biến dựa theo hành động, trẻ em không được phép mua hàng nếu như không có sự chấp thuận từ cha mẹ.
Trong khi đó, Google cũng bắt đầu quan tâm tới đối tượng là trẻ em khi tích hợp tính năng Restricted Profile cho hệ điều hành Android 4.3, cho phép giới hạn những tính năng của một app để cha mẹ quản lý quyền sử dụng của trẻ nhỏ. Nhiều ứng dụng game trên Android đã hấp dẫn trẻ nhỏ như: Kids Preschool Puzzle Lite, trò chơi giáo dục và giải trí cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, có khả năng tăng cường kỹ năng nhận thức, kỹ năng thị giác, nhận biết hình dạng, không gian...; Talking Kids Math and Numbers, trò chơi với các phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân, chia cùng với hình ảnh ngộ nghĩnh của chú chim cánh cụt...
Bombi Saga cũng sẽ khó tránh khỏi tầm tay trẻ em với đồ họa ngộ nghĩnh.
Dường như ngày càng có nhiều game phục vụ đồng thời cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Nhiều studio dù không đặt mục tiêu sản xuất game dành cho trẻ em nhưng sản phẩm của họ được thiết kế một cách ngộ nghĩnh, vô hình trung lại trở thành món ăn thú vị dành cho thiếu nhi. Có lẽ ở một kỷ nguyên mới, game thiếu nhi sẽ được phân nhánh theo một cách khác.
Gần đây, nhiều studio tại Việt Nam đã sản xuất một số gMO gây chú ý, trong đó có khá nhiều game có đồ họa mang phong cách thiếu nhi. Có thể kể ra những cái tên rất mới như Bombi Saga của Củ Lạc Studio với hệ thống nhân vật trong các bộ truyện manga, comic nổi tiếng mang phong cách chibi dễ thương; Jump & Jump của M.D Studio với một chú thỏ bị truy đuổi bởi một con chó sói và bị những con cá sấu rình rập trên sông... Ngay cả Flappy Bird nổi tiếng cũng hoàn toàn có thể chinh phục đối tượng trẻ em.
Nếu như trước đây các nhà sản xuất netbook cho trẻ em khá dè dặt thì nay, thị trường máy tính bảng cho trẻ em có vẻ được kỳ vọng hơn nhiều. Không dừng lại ở việc giải trí như những máy chơi game thế hệ cũ, máy tính bảng cho phép trẻ nhỏ học tập, tìm hiểu nhiều kiến thức cần thiết khác. Nhờ đó, thị trường game cho trẻ em thời gian tới có lẽ sẽ sôi động trở lại. Điều quan trọng là game phải phù hợp với độ tuổi, có tính giáo dục, rèn luyện, có thể kiểm soát được đối với phụ huynh.
PHẠM HÀO