Trang tin Chứng khoán Bảo Việt nói về “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” với 3 mục tiêu: Tái cơ cấu về tổ chức; Tái cơ cấu về tài chính; Tái cơ cấu về quản trị.
Chuyên trang kinh tế FICA dẫn lời Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Bộ khẳng định: “Năm 2014, ngành thông tin và truyền thông đã có bước đi dài, đặc biệt là trong tái cơ cấu”.
Theo FICA, ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015. Sau 6 tháng triển khai Quyết định 888/QĐ-TTg, VNPT đã tái cơ cấu toàn bộ 63 công ty viễn thông tỉnh, thành phố; chuyển 17.000/60.000 lao động sang bộ phận kinh doanh trực tiếp. Trong thời gian tái cấu trúc, VNPT vẫn hoạt động bình thường và tăng trưởng tốt. Năm 2015, VNPT và MobiFone sẽ tiếp tục giai đoạn 2 của kế hoạch tái cấu trúc.
Trong ngành ngân hàng, báo Kinh tế và Dự báo cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu 4 ngân hàng thương mại nhà nước và phương án tái cơ cấu của 20 ngân hàng thương mại cổ phần, tình hình tài chính và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện, đáp ứng cơ bản yêu cầu tín dụng để phát triển SXKD. Tính đến cuối tháng 11/2014, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt trên 430.000 tỷ đồng, nợ xấu giảm mạnh và chỉ còn chiếm 3,8% tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước đã đề ra định hướng chính sách trong năm 2015 là tăng trưởng tín dụng đạt 13% - 15%, nợ xấu xuống 3% vào cuối năm gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Hay giống như bảo trì một cỗ máy để tăng hiệu năng.
Năm 2015 cũng được coi là năm bản lề của tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng nêu những nhiệm vụ của việc tái cấu trúc này là hợp nhất các sở giao dịch, chuẩn bị triển khai thị trường phái sinh, ra đời các sản phẩm mang tính đòn bẩy cao, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn cuối, chuẩn bị tiếp nhận hệ thống công nghệ thông tin mới...
Theo báo điện tử Chinhphu.vn, đến nay đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Thủ tướng đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 và 109 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.
Cổng thông tin TT Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM nhận định: "Trong năm 2015 và những năm sắp tới, trong không khí đổi mới và chuyển mình của nền kinh tế để đón đầu làn sóng hội nhập, yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp phải bảo đảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp mình. Điều này có thể được thực hiện nhờ sự sáng suốt, quyết định đúng đắn của doanh nghiệp trong những chiến lược tái cấu trúc".
PHẠM HÀO