Jason Fried, một nhà kinh doanh phần mềm, có bài nói chuyện khá hay có tựa đề "Why work doesn't happen at work" thể hiện quan điểm của mình về môi trường làm việc tại công sở trên TED.com, một dự án chia sẻ tri thức và ý tưởng nổi tiếng thế giới. Diễn giả này đặt vấn đề: "Mọi người có vẻ như không giải quyết công việc trong giờ làm việc".
Jason Fried, một nhà kinh doanh phần mềm, có bài nói chuyện khá hay có tựa đề "Why work doesn't happen at work" thể hiện quan điểm của mình về môi trường làm việc tại công sở trên TED.com, một dự án chia sẻ tri thức và ý tưởng nổi tiếng thế giới. Diễn giả này đặt vấn đề: "Mọi người có vẻ như không giải quyết công việc trong giờ làm việc".
"Các công ty thường nghĩ cuộc họp một tiếng chỉ là một cuộc họp một tiếng nhưng không phải vậy, trừ khi chỉ có một người trong cuộc họp đó. Nếu có 10 người trong cuộc họp thì đó là cuộc họp 10 tiếng chứ không phải là cuộc họp một tiếng".
Sự gián đoạn công việc
Jason Fried cho rằng, nếu đặt câu hỏi về nơi mà một người muốn đến để giải quyết công việc của mình thì sẽ nhận được 3 câu trả lời. Đó có thể là một nơi cụ thể hoặc một cái phòng, một phương tiện di chuyển hoặc một khoảng thời gian. Cụ thể như hiên nhà, nhà bếp, quán cà phê, thư viện, thậm chí là tàu hỏa, máy bay, xe hơi... "Chúng ta cũng có những câu trả lời đại loại như: "Tôi ở đâu cũng không quan trọng, miễn sao đó là lúc sáng sớm hoặc thật trễ vào buổi tối hoặc vào những ngày cuối tuần". Chúng ta sẽ chẳng nghe ai nói là văn phòng cả", diễn giả lập luận.
"Tôi ở chỗ làm, ngồi tại bàn làm việc của mình, dùng cái máy tính đắt tiền, sử dụng phần mềm họ bảo tôi dùng. Tôi dự những cuộc họp mà tôi được yêu cầu đi. Tôi thực hiện những yêu cầu họp hành. Tôi làm hết. Nhưng thật ra tôi không làm gì cả. Tôi chỉ làm nhiệm vụ. Tôi không thực sự giải quyết công việc nào có ý nghĩa".
"Chúng ta không thể yêu cầu ai đó sáng tạo hay nghĩ ra một vấn đề trong vòng 15 phút. Chúng ta có thể có một ý tưởng nhanh nhưng không thể nghĩ sâu và thật sự nghĩ về vấn đề đó kỹ lưỡng. Chúng ta cần một khoảng thời gian dài không bị gián đoạn".
"Rất ít người thật sự có một chuỗi thời gian không bị gián đoạn tại văn phòng. Đó là lý do tại sao mà có người chọn cách làm việc tại nhà hoặc họ có thể đến văn phòng, nhưng họ đến văn phòng thật sớm vào buổi sáng hoặc thật trễ vào buổi tối khi không còn ai ở văn phòng hoặc ở lại sau khi mọi người về hết, hoặc đến văn phòng vào cuối tuần, hoặc giải quyết công việc trên máy bay, hoặc trên xe hơi hoặc trên tàu vì không có gì gián đoạn".
Diễn giả có một so sánh khá thuyết phục: "Tôi nghĩ đến một chuyện khác mà chuyện này bị ảnh hưởng khi chúng ta bị gián đoạn, đó là giấc ngủ". Dẫn chứng cho vấn đề này là nếu chúng ta bị đánh thức, chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu và nếu chúng ta bị làm gián đoạn, chúng ta không thể ngủ ngon.
Sếp là kẻ phiền toái, họp hành là độc hại!
"Các sếp sẽ thường nghĩ rằng những gián đoạn thật sự tại chỗ làm là những việc như Facebook và Twitter và YouTube và những trang khác. Mà thật ra, họ sẽ tiếp tục một cách quá đà khi những trang này bị chặn tại chỗ làm".
"Facebook, Twitter và Youtube, những trang này chỉ là cách nghỉ giải lao nhanh trong thời buổi hiện nay. 10 năm về trước, không ai quan tâm về việc để mọi người có 15 phút giải lao. Vậy tại sao mọi người lại quan tâm về việc người khác vào Facebook ở đây và ở kia hoặc Twitter chỗ này, chỗ khác và cả YouTube? Những điều này không phải là vấn đề tại công sở".
"Lý do vì sao mà việc không được giải quyết tại chỗ làm, đó là do sếp và họp hành. Mà điều thú vị là nếu chúng ta lắng nghe những nơi mà mọi người nói về làm việc - như tại nhà, trong xe hoặc trên máy bay, hoặc làm việc rất trễ vào ban đêm, hoặc vào sáng sớm - chúng ta sẽ không thấy có sếp và họp hành".
"Họ (sếp) thường đến kiểm tra bằng cách: "Này, công việc sao rồi? Đưa tôi coi xem nào" và mấy kiểu như vậy. Và họ hay làm phiền chúng ta vào không đúng thời điểm, trong khi chúng ta đang thực sự cố làm một việc gì đó mà họ trả tiền cho chúng ta làm, họ lại làm gián đoạn chúng ta".
Jason Fried thể hiện một quan điểm mới lạ nhưng không đi ngược xu hướng khi tập trung trách nhiệm vào người lãnh đạo. Diễn giả kết luận hùng hồn: "Họp hành là những thứ độc hại, ghê gớm và nguy hại trong một ngày tại công ty".
"Các công ty thường nghĩ cuộc họp một tiếng chỉ là một cuộc họp một tiếng nhưng không phải vậy, trừ khi chỉ có một người trong cuộc họp đó. Nếu có 10 người trong cuộc họp thì đó là cuộc họp 10 tiếng chứ không phải là cuộc họp một tiếng. 10 giờ đồng hồ sản xuất bị lấy mất từ công ty chỉ để có cuộc họp một tiếng, cái mà thật ra chỉ nên có 2 - 3 người tham gia trao đổi với nhau vài phút".
Diễn giả Jason Fried trên TED.com.
Một số giải pháp
Jason Fried đề ra giải pháp là dành một buổi trong một tuần hoặc một tháng chỉ yên lặng, không ai trong công ty nói chuyện với nhau. "Đấy là lúc mà mọi người giải quyết công việc, là khi không ai làm phiền ai, khi không ai cản trở công việc của ai", diễn giả phân tích.
"Và việc khác mà chúng ta cũng nên thử áp dụng là thay đổi từ cách trao đổi và cung cấp thông tin chủ động bằng mặt đối mặt, vỗ vào vai người khác, chào nhau, họp hành... bằng phương thức giao tiếp thụ động hơn là sử dụng email, tin nhắn...". Lập luận của diễn giả là những việc này chỉ làm gián đoạn tại thời điểm do chúng ta tự chọn.
"Và đề nghị cuối cùng là nếu anh chị sắp có một cuộc họp, nếu anh chị có quyền, thì hãy hủy bỏ cuộc họp", diễn giả nhấn mạnh quan điểm "họp hành là độc hại" của mình.
PHẠM HÀO (Theo TED.com)