Cơm trưa công sở luôn là mối lo nghĩ của nhiều người (Ảnh minh họa).
Cơm "Tổng" - Giải pháp nhanh cho những người "lười nghĩ"
Có một giải pháp đơn giản nhất cho những VTCer không muốn hàng ngày phải trả lời câu hỏi hóc búa "Trưa nay ăn gì?" là đăng ký mua phiếu ăn định kỳ hàng tháng. Ăn cơm "Tổng" nhìn chung khá là tiết kiệm, trước tiên là tiết kiệm nơ ron thần kinh vì không phải suy nghĩ, sau là tiết kiệm thời gian vì đặt trước nên đồ ăn được phục vụ rất nhanh. Chỉ 20 phút là xong bữa trưa, sau đó tha hồ thời gian để nghỉ trưa trước khi bắt đầu công việc vào buổi chiều.
Một khía cạnh quan trọng, cơm "Tổng" đơn giá trung bình chỉ 25.000 đ/suất. Đặc biệt, vào thứ Sáu hàng tuần, nhà bếp sẽ "chiêu đãi" mọi người một thực đơn "ăn tươi" bổ dưỡng với nào thì là gà, nào ngan, hải sản... Hơn nữa, hôm nào nổi hứng "chán cơm thèm phở" thì có thể báo trước với nhà bếp huỷ cơm và ra quán đánh chén với đồng nghiệp.
Cơm hàng cho những người "thích sự thay đổi"
Chán ngán việc lặp lại "những thực đơn giống nhau" theo tuần, vẫn cách chế biến đấy, món ăn đấy, chỗ ngồi đấy thì "phố ẩm thực" Lạc Trung luôn sẵn sàng đón chào VTCer. Có vô vàn sự lựa chọn cho bạn, từ cơm đĩa, cơm món đến bún, phở, xôi, bánh mỳ, bún chả hay cả những món hoành tráng hơn như đồ nướng, lẩu cũng có tất.
Tuy nhiên, điểm trừ của giải pháp này là "tốn kém" và thường xuyên phải nát óc suy nghĩ hàng trưa để trả lời cho câu hỏi "trưa nay ăn gì?". Thường thì đi ăn hàng quán chi phí sẽ tốn kém hơn, trung bình 35.000 - 50.000 đ/người mỗi bữa, đấy là chưa kể hôm nào sang chảnh ăn lẩu hay đồ nướng thì trung bình 100.000 - 150.000/người. Rồi có hôm nổi hứng, cả đội bắt taxi lên phố làm bữa pizza, lẩu băng chuyền, buffet hay chả cá Lã Vọng thì... "tập xác định" luôn. Như vậy, mỗi tháng trung bình những người "thích sự thay đổi" tiêu tốn mất tầm 1,5 triệu đến 2 triệu đồng cho tiền ăn trưa.
Đi ăn trưa ngoài hàng thường đi theo nhóm, mỗi người một ý nên sẽ mất rất nhiều thời gian để thống nhất được một ý kiến chung. Các hàng quán ở Lạc Trung khá đông khách, nhiều hàng không đặt trước thì thời gian chờ đồ ăn cũng sẽ tốn không ít thời gian.
Những món ăn tự nấu luôn đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm tối đa.
Cơm nhà có phải là sự lựa chọn hoàn hào?
Gần đây, báo chí suốt ngày đưa tin về các vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, khiến không ít bà con băn khoăn, lo sợ về chất lượng và mức độ vệ sinh của hàng quán. Vì vậy, giải pháp đem cơm nhà đi đang rất được ưa chuộng. Các anh có gia đình thì đem cơm vợ nấu, các chàng thanh niên trẻ thì cơm mẹ nấu hoặc bạn gái nấu, chị em thì tự nấu.
Giải pháp cơm nhà vừa giúp các anh thắt chặt tình cảm với những người phụ nữ của mình lại vừa giúp chị em có điều kiện nâng cao tay nghề bếp núc, tranh thủ giảm cân vì có thêm việc để làm. Hơn nữa, cơm nhà đảm bảo được các yếu tố nhanh - gọn - sạch - tiết kiệm, quá tối ưu cho một bữa ăn trưa trong khoảng thời gian khá eo hẹp.
Tuy nhiên, có một chút vấn đề lăn tăn là đem cơm nhà đi rồi đến bữa lại thu lu ngồi ăn một mình, không giao lưu được với đồng nghiệp, cảm thấy bản thân đang xa rời tập thể. Vì vậy, người ăn cơm nhà đau đầu ở việc làm sao tìm được bạn đồng hành và phải nắm được lịch tụ tập, liên hoan của phòng để tránh không mất công người nấu. Người nấu cơm thì hy sinh thời gian của mình trong khi người khác dùng thời gian đó để nghỉ ngơi, giải trí.
Giải pháp tối ưu?
Sau một thời gian đi thám thính các bô phận trong giờ nghỉ trưa, chúng tôi đã phát hiện ra một phong trào ăn trưa rất thú vị đang bắt đầu nổi lên: Mỗi người phụ trách nấu một món mang đến công ty để góp vào bữa “buffet chung”. Người mang thịt, người mang cá, người mang tôm, người nấu canh, người mang hoa quả... Giờ cơm trưa, mọi người quây quần lại, bày tất cả các món ăn trên bàn, cùng nhau thưởng thức “bữa tiệc”. "Buffet góp", một cách tuyệt vời để tiết kiệm thời gian, công sức và làm khăng khít thêm tình đồng nghiệp.
Người trẻ đã rất sáng tạo và đoàn kết qua mô hình "buffet góp" mới lạ.
Sáng ngủ dậy, thay vì phải lách cách nấu bao nhiêu món thì với mô hình này, chỉ việc nấu một món, rất nhanh gọn và tiện lợi mà bữa trưa lại đa dạng món ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh, không bị nhàm chán vì nhiều người nấu với nhiều khẩu vị khác nhau. Còn có những nàng khéo tay làm cả bánh ngọt, chè, kem mang đến tráng miệng. Mọi người ngồi chung lại, cùng ăn, cùng nhận xét các món, rồi hỏi nhau cách làm. Bỗng dưng, nhờ “buffet góp”, các đồng nghiệp xích lại gần hơn, thân thiết hơn, hiểu nhau hơn. Cũng nhờ vậy, sự phối hợp trong công việc cũng trở nên trôi chảy, thuận lợi.
Ăn uống, tráng miệng no say, xong lại ngồi tiếp tục tám chuyện cho xuôi cơm 10 - 15 phút mà vẫn còn thừa ối thời gian để nghỉ ngơi. Sau giờ cơm thì ai về chỗ người nấy, người nghe nhạc, kẻ đọc báo, người tranh thủ "đánh chén" luôn một giấc. Thi thoảng hôm nào nổi hứng muốn đổi vị, chiều ngày hôm trước cả nhóm lại hô hào nhau: "Mai "ăn tươi" tí nhé! Cả nhà mai đừng ai mang cơm nha!". Khi ấy, nghe đến "ăn tươi" là lại vui như Tết.
LAN PHƯƠNG