Khác với những nhãn hiệu thông thường, muốn được bảo hộ thì phải đăng ký với một thời hạn xác định. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được công nhận rộng rãi theo tiêu chí quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ nên luôn được pháp luật bảo hộ.
Khác với những nhãn hiệu thông thường, muốn được bảo hộ thì phải đăng ký với một thời hạn xác định. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được công nhận rộng rãi theo tiêu chí quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ nên luôn được pháp luật bảo hộ.
Lễ trao giải Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam 2015 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), một sự kiện thường niên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp có quy định: “Các nước thành viên Liên hiệp có trách nhiệm, theo chức năng quản lý nếu luật quốc gia cho phép điều đó, hoặc theo đề nghị của bên có liên quan, từ chối hoặc huỷ bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó là sự sao chép, bắt chước, chuyển đổi, và có khả năng gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nước sử dụng coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước đó như là nhãn hiệu thuộc về người được hưởng lợi thế của Công ước và sử dụng trên các loại hàng hoá giống hoặc tương tự. Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp thành phần chủ yếu của nhãn hiệu là sự sao chép của bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng nào hoặc sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu trước đó...”.
Việt Nam là thành viên của Công ước Paris từ năm 1994. Năm 2001, Nghị định số 06/2001/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp đã quy định tại Điểm 8b, Điều 2: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín, khiến cho nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi...”.
Điểm 20, Điều 4 - Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) như sau: “NHNT là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Nếu một nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới mà người tiêu dùng Viêt Nam không biết đến thì nhãn hiệu này chưa được coi là nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cũng theo Điều 75 - Luật SHTT, các tiêu chí để xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng gồm: Số lượng người tiêu dùng liên quan đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo; Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành; Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp; Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu nổi tiếng; Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
NHNT được căn cứ xác lập quyền trên cơ sở thực tiễn sử dụng nhãn hiệu, thời hạn đến khi nhãn hiệu này không còn đáp ứng được các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 - Luật SHTT. Hàng năm, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức trao chứng nhận cho những nhãn hiệu nổi tiếng nhất dựa trên những tiêu chí mà Luật SHTT quy định và có cơ chế bảo hộ. Đây là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp quan tâm tới thương hiệu và nhãn hiệu của mình.
PHẠM HÀO (tổng hợp)