Gia đình Intecom

Doanh nghiệp nội dung số đầu tư khiêm tốn cho hoạt động nghiên cứu thị trường

29/11/2013 0

Nếu không đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể làm chủ công nghệ và thị trường, sẽ nhanh chóng thua ngay trên sân nhà trước các doanh nghiệp nước ngoài.

Nếu không đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể làm chủ công nghệ và thị trường, sẽ nhanh chóng thua ngay trên sân nhà trước các doanh nghiệp nước ngoài. 


Nghiên cứu người tiêu dùng là một bước nghiên cứu quan trọng hàng đầu.

Trên thế giới, lĩnh vực nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh đã được các tập đoàn lớn đúc kết và đóng gói thành những quy trình. Lĩnh vực nghiên cứu nói chung được chia làm 3 loại hình khác nhau, có liên hệ chặt chẽ và bổ trợ cho nhau: Nghiên cứu người tiêu dùng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm và nghiên cứu thị trường.

Nghiên cứu người tiêu dùng là nghiên cứu hành vi, động cơ tiêu dùng nhằm tìm ra các nhu cầu chưa được khai thác để cải tiến hoặc sáng tạo ra sản phẩm mới. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) theo Saigon Times bao gồm: Nghiên cứu - phát triển sản phẩm (Product R&D); Nghiên cứu - phát triển bao bì (Packaging R&D); Nghiên cứu - phát triển công nghệ (Technology R&D) và Nghiên cứu - phát triển quá trình (Process R&D). Trong khi đó, nghiên cứu thị trường chủ yếu là thu thập thông tin thị trường nhằm phục vụ cho hoạt động marketing.

Năm 2005, một nghiên cứu của TNS Việt Nam cho hay, tổng chi nghiên cứu thị trường của Việt Nam tính trên đầu người chỉ đạt 0,12 USD, thấp nhất trong 60 quốc gia được điều tra. Trong 3 năm trở lại đây, trong khi nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đầu tư ở mức tỷ đô cho các hoạt động nghiên cứu thì một vài doanh nghiệp công nghệ và nội dung số Việt Nam mới chỉ bắt đầu manh nha đầu tư nhân sự và tài chính cho lĩnh vực này. Hầu hết các bộ phận R&D ở các doanh nghiệp đều mới thành lập và thường hoạt động nghiên cứu cả 3 loại hình (R&D, nghiên cứu thị trường và người tiêu dùng).

Năm ngoái, Microsoft công bố này dành 9,8 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Công ty này nằm trong top 5 doanh nghiệp chi mạnh nhất cho lĩnh vực này năm 2011, chiếm 12,9% tổng doanh thu cho hoạt động này. Apple năm 2012 chi 3,4 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Google thì chi tới 5,2 tỷ USD, tương đương 13,6% doanh thu của mình trong năm 2011 cho hoạt động này. Intel cũng tuyên bố sẽ chi 13 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu sản phẩm trong năm 2013.

Tại Việt Nam, điển hình trong hoạt động này chính là các doanh nghiệp nội dung số. Tuy nhiên, con số mà các công ty đưa ra còn rất khiêm tốn. FPT đang dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mỗi năm. VNG thì có khoảng 500 nhân sự hoạt động trong lĩnh vực R&D,chiếm gần 1/4 tổng số nguồn nhân lực của công ty hiện nay. Những con số không lớn nếu đặt trên số lượng sản phẩm của các công ty này.


Game tester, nhân sự quan trọng trong hoạt động R&D sản phẩm game.

Có thể thấy, kinh phí đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu trong sản xuất, kinh doanh là rất lớn, trong khi kết quả thường chưa được thống kê rõ ràng và rủi ro là có. Nhưng nếu không đầu tư cho hoạt động này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể làm chủ công nghệ và thị trường, sẽ nhanh chóng thua ngay trên sân nhà trước các doanh nghiệp nước ngoài. 

Đã đến lúc cần có những chiến lược cụ thể và dài hơi trong lĩnh vực nghiên cứu tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nội dung số, lĩnh vực này luôn đòi hỏi liên tục sự thay đổi và cải tiến sản phẩm.

Phạm Hào
Gửi bình luận